Giới thiệu

Ngày xưa lúc mới bước vào thế giới lập trình mình ghét nhất là việc mỗi lần cài lại máy hay muốn code trên máy của người khác lại phải cài một đống thứ mới có thể code được: git, IDE (PHP Storm, SublimeText), DB (MySQL, SQL Server, Mongo DB …), Xampp các thứ… Cài vừa mất thời gian lại có thể gặp phải lỗi do môi trường khác nhau nữa nên không thể tập trung vào việc chính là code được. Nhưng qua năm tháng thì mình cũng dần quen với việc đó và cách tốt nhất là cải thiện tốc độ cài, viết guide khi setup project lần đầu… và mình tự đặt ra câu hỏi là liệu mình có thể bê nguyên cái PHP Storm lên “mây” và muốn code thì chỉ cần mở ra là code? Với suy nghĩ đó mình thử search qua với google, và không ngờ là người ta đã làm ra cả 1 đống các service dạng như thế, có thể liệt kê như: Cloud9CodeanywhereCodenvy… Và hôm nay mình xin giới thiệu đến các bạn 1 service trong số đó là Cloud9. Và bây giờ chúng ta chỉ cần 1 chiếc laptop cài chrome là đã có thể gõ code ầm ầm rồi, thậm chí ra quán nét mà muốn code cũng code được luôn 

Cloud 9 có gì?

Cloud 9 là 1 IDE online. Khi bạn đăng nhập vào Cloud 9 (C9), C9 sẽ cung cấp cho bạn 1 workspace để làm việc, nó là 1 máy ảo đã cài đặt hầu như đầy đủ những gì có thể code (php, git, …). Với tài khoản free thì cấu hình máy ảo này cũng khá khiêm tốn, 2GB HDD, 512 MB RAM, 1 CPU – tạm đủ để trải nghiệm 1 IDE online. Bạn chỉ cần open workspace và có thể bắt đầu code và chạy luôn trên đấy mà ko cần phải cài đặt gì cả.

Làm quen với Cloud 9

Đầu tiên mình xin hướng dẫn các bạn cách đăng kí một tài khoản free để trải nghiệm Cloud 9 IDE nhé. Vào link đăng ký sau https://c9.io/signup nhập email và làm theo các bước. Đến bước gần cuối mình thấy nó yêu cầu nhập thông tin thẻ tín dụng để thanh toán. Vì account của mình được lập từ rất lâu rồi mà hồi ý nó ko có bước nhập thẻ tín dụng này. Không hiểu sao đã free lại còn bắt nhập thẻ tín dụng làm chi mặc dù nó cũng có cam kết tài khoản free sẽ không bị charge tiền mà mọi thông tin được đảm bảo như hình dưới đây:  Sau khi đã đăng kí thành công và đăng nhập vào ta thấy giao diện khá đơn giản và dễ nhìn nó cho phép ta tạo 1 workspace mới hoặc open workspace cũ để code luôn. Ở đây mình sẽ thử chức năng tạo 1 workspace mới. Giao diện như sau:  Nó có hai chế độ là public và private, với tài khoản free thì ta có thể tạo không giới hạn workspace public nhưng chỉ được 1 private workspace thôi. Ta thấy nó hỗ trợ rất nhiều template – đó là một máy ảo đã cài sẵn các thứ để sẵn sàng cho việc code, mình chọn PHP. Và đồng thời có thể clone 1 project từ github về luôn. Mình sẽ thử cài đặt 1 project Laravel lên. Sau khi create project thì ta sẽ có giao diện như sau:  Nhìn thấy giao diện code đây rồi! Y như sublime text, rất thân thiện luôn nhé! Đặc biệt nó còn hỗ trợ gợi ý code cho mình như PHP Storm luôn. Thử ấn Run xem nó chạy luôn apache cho mình luôn. Test luôn ngay trên trình duyệt. Ở ngay phía dưới ta có luôn terminal như vậy là toàn quyền với nó rồi, mình sẽ xóa các file mặc định và dùng composer để init project laravel. Chỉnh lại file config của apache2 ở /etc/apache2/sites-enabled/001-cloud9.conf chỉnh dòng /etc/apache2/sites-enabled/001-cloud9.conf thành thư mục public của project Laravel. Và click lại Run, Cloud 9 sẽ deploy nhanh project lên host riêng với DNS tên miền <project>.c9users.io

Ngoài ra Cloud 9 còn có thể share editor cho người khác nữa để cùng nhau code chung, khi code có thể chat được với nhau nữa (mục Collaborate), quá là tiện để làm việc nhóm phải không các bạn. Như vậy ta có thể thấy Cloud 9 có một số ưu điểm nhất định ví dụ như:

  • Đầu tiên nhất định là ưu điểm có thể code mọi lúc mọi nơi, chỉ cần máy và trình duyệt cài sẵn là đủ
  • Không cần cài đặt môi trường lằng nhằng, chỉ cần create workspace clone project về là đã có thể bắt tay vào code được rồi
  • Có hẳn 1 máy ảo để làm việc và cài đặt thêm mọi thứ mình muốn
  • Deploy được lên host public có thể cho người khác xem luôn thành quả
  • Có thể làm việc nhóm, code chung với người khác khá tiện lợi

Nhưng bên cạnh đó còn một số hạn chế:

  • Cấu hình workspace của tài khoản free khá yếu
  • Vì là trình IDE online nên đôi lúc gõ code cảm giác vẫn có sự delay

Bài viết của mình chỉ mang tính chất giới thiệu về một trình IDE online hằng mơ ước, một tiện ích của điện toán đám mây nên mình xin phép được kết thúc bài viết tại đây. Để tìm hiểu chuyên sâu hơn các bạn có thể đọc Documents của nó và thử tự mình tạo tài khoản và trải nghiệm nhé! Cảm ơn các bạn đã đọc bài!