Đối với các tổ chức, công ty thì việc sử dụng một hệ thống máy chủ là một điều không thể thiếu. Việc máy chủ có hoạt động ổn định hay không là một yếu tố quan trọng hàng đầu đối với website của từng doanh nghiệp.
Vậy thì máy chủ là gì mà có vai trò to lớn như vậy? Và những loại máy chủ phổ biến hiện nay là những loại nào? Hãy đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé.
Máy chủ là gì?
Máy chủ hay còn gọi là Server được hiểu theo ba nghĩa như sau:
– Máy chủ là một thiết bị có địa chỉ IP tĩnh, có khả năng kết nối với Internet. Máy chủ có năng lực xử lý rất cao và khả năng lưu trữ lớn. Ở đó các phần mềm được cài đặt vào để cho các máy tính khác truy cập vào và yêu cầu cung cấp các dịch vụ, tài nguyên.
– Máy chủ cũng có thể là một hệ thống đáp ứng yêu cầu trên một mạng máy tính để cung cấp hoặc là hỗ trợ cung cấp một dịch vụ mạng. Nó có thể chạy trên một máy tính chuyên dụng, hoặc là nhiều máy tính nối mạng có khả năng lưu trữ.
– Hoặc máy chủ là một chương trình máy tính, được hoạt động như một dịch vụ để phục vụ những nhu cầu hay yêu cầu từ những chương trình khác. Chương trình của máy chủ và các chương trình của máy con có thể hoạt động trên cùng một máy tính hoặc là nhiều máy khác nhau.
Những loại máy chủ phổ biến hiện nay
Tùy theo từng phương pháp mà ta có thể chia máy chủ ra thành nhiều loại khác nhau. Nếu dựa theo phương pháp xây dựng một hệ thống máy chủ, ta có thể chia thành ba loại như sau:
Máy chủ riêng (Dedicated Server)
Máy chủ riêng là một máy chủ server chạy với phần cứng và các thiết bị hỗ trợ chuyên dụng riêng biệt.
Máy chủ đám mây (Cloud Server)
Cloud Server là một máy chủ được kết hợp từ nhiều máy chủ vật lý khác nhau với một hệ thống lưu trữ Storage Area Network. Loại máy chủ này có đặc điểm nổi bật đó chính là tốc độ truy xuất nhanh chóng, vượt trội. Qua đó máy chủ có thể hoạt động cực kỳ ổn định và hạn chế được tối đa tình trạng downtime.
Máy chủ ảo (Virtual Private Server – VPS)
Máy chủ ảo được tạo ra nhờ công nghệ ảo hóa phần cứng. Công nghệ này cho phép phân chia một máy chủ vật lý thành nhiều máy chủ ảo (VPS) khác nhau trên chính máy chủ vật lý đó. Những VPS này có đầy đủ các tính năng tương tự như một máy chủ vật lý bình thường.
Còn nếu phân chia dựa theo chức năng của từng loại máy chủ thì ta có những loại máy chủ sau:
Máy chủ web (Web server)
Máy chủ web có chức năng lưu trữ thông tin dữ liệu của website, tạo ra môi trường kết nối để khách hàng có thể truy cập vào website một cách dễ dàng hơn.
Máy chủ được kết nối với những khách hàng thông qua giao thức HTTP (Hypertext Transfer Protocol). Mọi nội dung của website được hiển thị chủ yếu là dưới dạng tài liệu HTML (Hypertext Markup Language).
Máy chủ cơ sở dữ liệu (Database Server)
Loại máy chủ này được cài đặt các phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu, giúp cho việc quản lý, xử lý và truy xuất dữ liệu trở nên dễ dàng hơn. Những hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến và thông dụng đó chính là MySQL, Microsoft SQL server, Oracle,…
Máy chủ Email (Mail Server)
Máy chủ Mail Server hỗ trợ việc gửi và nhận email. Nếu như bạn có sử dụng những ứng dụng email trên máy tính thì phần mềm sẽ kết nối với máy chủ IMAP hoặc máy chủ POP để tải thư xuống máy tính của bạn và máy chủ SMTP sẽ gửi thư trở lại qua máy chủ email.
Máy chủ FTP (FTP Server)
Máy chủ FTP hỗ trợ di chuyển các tệp thông qua giao thức truyền tải tập tin (File Transfer Protocol). Các máy chủ FTP có thể truy cập từ xa thông qua các phần mềm FTP chuyên dụng như CuteFTP, FileZilla,…
Máy chủ DHCP (DHCP Server)
Máy chủ DHCP hay còn được gọi với cái tên đầy đủ là Dynamic Host Configuration Protocol. Nhiệm vụ của DHCP chính là cấp phát địa chỉ IP cho các thiết bị tham gia vào mạng.
Máy chủ DNS (DNS Server)
Mỗi máy tính khi tham gia vào mạng Internet đều có một địa chỉ IP. Nhằm giúp cho việc ghi nhớ và thuận tiện cho việc sử dụng thì ta dùng các tên gọi để xác định máy tính đó trong hệ thống mạng và tên gọi đó gọi chung là Domain Name.
Máy chủ DNS là máy chủ, là hệ thống phân giải tên miền. Máy chủ DNS có nhiệm vụ phân giải địa chỉ IP thành tên miền (Domain Name) và ngược lại.